Hiện nay có rất nhiều người đang muốn xây dựng nhà hàng để kinh doanh ăn uống, ẩm thực. Tuy nhiên, thiết kế nhà hàng như thế nào để thu hút khách và tiết kiệm tối ưu chi phí đầu tư là điều không dễ dàng. Vì vậy bài viết dưới đây Đông Nam Construction sẽ chia sẻ bản kế hoạch chi tiết, dự toán chi phí cụ thể cho từng hạng mục để chủ đầu tư nắm rõ.
Các loại hình khi xây dựng nhà hàng phổ biến
Hiện nay có 2 loại hình xây dựng nhà hàng phổ biến đó là: nhà hàng ăn uống, nhà hàng tiệc cưới. Mỗi loại hình sẽ có điểm khác biệt trong khâu thiết kế, bày trí không gian. Do đó, chủ đầu tư cần căn cứ vào diện tích mảnh đất, nguồn vốn hiện có để lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp.
- Với mảnh đất có diện tích vừa phải các bạn nên thi công nhà hàng ẩm thực như: chuyên phục vụ món ăn đặc sản dân tộc, lẩu nướng, món ăn nổi tiếng của Nhật Bản – Hàn Quốc – Trung Quốc, nhà hàng bia tươi…
- Đối với mảnh đất có diện tích rộng lớn thì chúng ta có thể xây dựng nhà hàng chuyên tổ chức tiệc cưới, sinh nhật, mừng thọ… Mô hình này đang trở thành xu hướng phát triển mạnh hiện nay.
Tiêu chuẩn xây dựng và thiết kế nhà hàng 3 sao và 5 sao
Nếu muốn công trình đảm bảo đầy đủ tiện nghi, đáp ứng tối ưu công năng sử dụng và tính thẩm mỹ thì chúng ta phải nắm rõ những tiêu chuẩn khi thiết kế, xây dựng nhà hàng. Dưới đây là tiêu chuẩn xây dựng và thiết kế nhà hàng 3 sao và 5 sao mà chủ đầu tư nên tham khảo:
Tiêu chuẩn bài trí lối vào khi xây dựng nhà hàng
Lối vào của nhà hàng sẽ là khu vực tạo ấn tượng đầu tiên với thực khách. Nó giống như một bản thiết kế thu nhỏ, giúp khách hàng cảm nhận rõ không gian mà mình sắp được phục vụ. Theo đó, lối vào cần bố trí rộng rãi, thoáng sạch, khơi gợi sự tò mò của mọi người khi mới đặt chân đến. Ví dụ, nhà hàng phục vụ món ăn đồng quê sẽ sử dụng đồ nội thất bằng tre, nứa, gỗ với màu sắc tự nhiên, kết hợp cây xanh như chuối,cây tre, thảm cỏ xanh mướt…
Tiêu chuẩn phòng ăn khi xây dựng nhà hàng
Phòng ăn được xem là linh hồn của một nhà hàng, tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc của chủ đầu tư. Không gian này phải đảm bảo sự thoải mái, rộng rãi để thực khách thưởng thức bữa ăn trọn vẹn. Tiêu chuẩn phòng ăn nhà hàng sẽ bao gồm các yếu tố chính như sau:
- Khu vực chỗ ngồi: Bàn và ghế có kích thước đồng bộ, phù hợp. Giữa các bàn ăn nên cách nhau từ 3 – 4 ft để tránh tình trạng hỗn loạn. Khu vực bàn ăn cần có không gian rộng rãi để di chuyển tự do, liên tục.
- Khu vực chờ đợi: Cần có đủ không gian cho khách hàng ngồi chờ khi chưa có bàn hoặc đợi món ăn. Tuy nhiên khi thiết kế nhà hàng, chủ đầu tư thường bỏ qua hạng mục thi công này.
- Khu vực POS hoặc hệ thống thanh toán tự động: Nên được đặt ở nơi tiện lợi, góc nhỏ gọn trong nhà hàng và có nhân viên trực sẵn sàng.
Tiêu chuẩn nhà bếp khi xây dựng nhà hàng
Căn bếp sẽ được xây dựng theo nhu cầu sử dụng, hình thức kinh doanh của nhà hàng và yêu cầu của chủ đầu tư. Một số tiêu chuẩn bạn cần lưu ý gồm:
- Phân chia rõ ràng các khu vực làm việc trong phòng bếp: khu vực chuẩn bị, sơ chế, trang trí, đóng gói và khu vực vệ sinh.
- Bố trí phù hợp để nhân viên nhà bếp làm việc và di chuyển thuận tiện nhất. Tránh tình trạng xây bếp với diện tích hạn hẹp gây ẩm ướt, mùi hôi hoặc dễ gây tai nạn cho nhân viên khi qua lại.
- Phòng bếp lắp đặt hệ thống thông gió tốt nhằm đảm bảo vệ sinh, mối nguy hiểm và sức khỏe cho đội ngũ nhân viên.
- Nhà vệ sinh nên bố trí sau tòa nhà, tránh xây gần khu vực bếp.
Tiêu chuẩn phòng vệ sinh khi xây dựng nhà hàng
Nhà vệ sinh là hạng mục công trình phụ khi xây dựng nhà hàng. Tuy nhiên nó lại đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm ăn uống của khách hàng. Bởi vậy đối với hạng mục này chúng ta cần lưu ý:
- Bố trí ở khu vực cho tất cả khách hàng dễ tìm kiếm.
- Khu vệ sinh có thể xây một khu vực riêng cho người khuyết tật.
- Trong phòng vệ sinh được trang bị đủ tiện ích, ánh sáng phù hợp.
- Không gian đảm bảo thoáng rộng, sạch sẽ, có cửa sổ thông gió.
Dự toán chi phí khi xây dựng nhà hàng
Chi phí xây dựng nhà hàng là một trong những yếu tố quan trọng mà chủ đầu tư cần quan tâm, tính toán kỹ lưỡng. Tổng số tiền đầu tư thiết kế, thi công xây dựng sẽ được dự toán thông qua các khoản sau:
Chi phí mặt bằng xây dựng
Một nhà hàng ăn uống thường có diện tích tối thiểu là 50 đến 100m2. Giá thuê cửa hàng trung bình là 10 triệu đồng/tháng. Mức chi phí này có thể tăng giảm tùy theo vị trí, khu vực thuê, thời điểm thuê… Thông thường hiện nay, chủ mảnh đất sẽ yêu cầu người thuê đặt cọc trước từ 3 đến 6 tháng.
Như vậy, chi phí ban đầu phải bỏ ra đầu tư vào mặt bằng mở nhà hàng vào khoảng 30 – 60 triệu đồng. Khi đã tìm được mặt bằng ưng ý, chúng ta phải cần xin giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Chi phí trang trí nhà hàng
Bên cạnh việc xây dựng phần thô vững chắc thì vẻ ngoài của nhà hàng cũng rất quan trọng. Nó sẽ tạo nên không gian bắt mắt, lung linh và thể hiện màu sắc riêng. Đối với hạng mục này mức chi phí tối thiểu cần đầu tư vào khoảng 80 – 100 triệu đồng. Những khoản chi bao gồm:
- Chi phí sơn tường, vẽ trang trí khoảng 10 – 20 triệu đồng.
- Phí mua sắm bàn ghế thông dụng bằng gỗ, nhựa hay inox tốn khoảng 30 – 40 triệu đồng.
- Tiền đầu tư để mua vật dụng nhà bếp như: nồi niêu xoong chảo, chén dĩa, bếp gas, máy hút mùi… khoảng 30 – 40 triệu đồng.
- Chi phí dùng mua tủ bảo quản thực phẩm: tủ đông, tủ lạnh tốn khoảng 25 triệu đồng.
Chi phí mua nguyên liệu ăn uống
Nguyên liệu chính là thành phần thiết yếu và tốn kém vốn đầu tư kinh doanh nhất, chiếm đến 40% doanh thu của nhà hàng. Tuy nhiên nếu không được bảo quản đúng cách hoặc để quá lâu, chúng rất dễ hư hỏng. Khi mở nhà hàng số vốn cần dùng để nhập nguyên liệu phù hợp là:
- Thực phẩm tươi, nguyên liệu chế biến cần nhập mới mỗi ngày khoảng từ 2 – 5 triệu đồng/ngày. Chi phí này có thể thay đổi tùy theo quy mô, tình trạng kinh doanh của nhà hàng.
- Chi phí để mua gia vị chế biến dùng trong khoảng 1 tháng đầu tiên tiêu tốn khoảng 3 triệu đồng.
Chi phí nhân sự cho nhà hàng
Chi phí phải trả cho nhân viên phục vụ mỗi tháng khoảng 4 – 5 triệu đồng, đầu bếp 8 – 10 triệu đồng. Trường hợp chủ quán là quản lý kiêm đầu bếp thì có thể cắt giảm tiền thuê nhân sự. Tùy vào quy mô, số lượng khách phục vụ mà mỗi nhà hàng sẽ có số lượng nhân viên ít hay nhiều. Tuy nhiên, chúng ta phải đảm bảo đủ người để phục vụ thực khách chu đáo nhất.
Những điều cần lưu ý khi xây dựng nhà hàng
Khi xây dựng nhà hàng, chúng ta cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định của luật xây dựng, tính toán chi phí chính xác. Đồng thời, chủ đầu tư cũng cần lưu ý những vấn đề quan trọng sau:
Chú ý trong khâu thiết kế nhà hàng
Nhà hàng không đơn giản giống như nhà ống hay nhà cấp 4. Nó là công trình kinh doanh đặc thù có những tiêu chuẩn riêng vô cùng khắt khe. Hơn nữa, mỗi loại hình nhà hàng sẽ có tiêu chuẩn thiết kế khác nhau. Nếu bạn muốn tự xây dựng theo ý tưởng có sẵn, bạn bè tư vấn thì dễ dẫn đến sai lầm. Lúc này việc thi công càng tốn kém thời gian, tiền bạc hơn.
Bởi vậy nếu không có kinh nghiệm hoặc không phải người làm trong ngành xây dựng kiến trúc, tốt nhất bạn nên thuê kiến trúc sư để sở hữu bản vẽ chuyên nghiệp. Chúng ta sẽ hạn chế được các rủi ro như: phong cách kiến trúc kém hấp dẫn, bản thiết kế không phù hợp với diện tích đất hay hướng đất, các khu vực phòng bố trí thiếu hợp lý…
Đối tượng khách hàng mục tiêu
Chủ nhà hàng cần xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu là ai: người có thu nhập cao, thu nhập thấp thấp, du khách nước ngoài hay trong nước để chọn vị trí đặt cửa hàng phù hợp. Đồng thời, chúng ta cũng dễ dàng định hướng phong cách thiết kế thích hợp với từng đối tượng thực khách.
Cân đối không gian chỗ ngồi của thực khách
Khi xây dựng công trình chủ đầu tư, nhà thầu cần tính toán kỹ lưỡng để cân đối giữa không gian ngồi và nơi đón khách. Đối với nhà hàng bình dân có quy mô nhỏ thì sẽ chú trọng hơn vào chỗ ngồi. Còn với nhà hàng cao cấp, chuyên biệt về ẩm thực phải quan tâm nhiều hơn đến không gian toàn diện. Không gian phải đảm bảo sự thoải mái, thẩm mỹ cao.
Dù dựa theo tiêu chí nào, khi xây dựng nhà hàng vẫn nên phân chia không gian với 50 – 60% diện tích dành cho việc phục vụ khách hàng. Phần diện tích còn lại dùng để xây dựng văn phòng, kho, phòng vệ sinh, cảnh quan… Trong đó, diện tích chỗ ngồi cho khách hàng đạt 1.5 – 1.5m2/người nhằm tạo sự tiện lợi khi ăn uống và dễ dàng cho nhân viên phục vụ.
Chú trọng tới hệ thống hút mùi, thông gió và ánh sáng
Căn bếp của nhà hàng là nơi tập trung khói bụi, nhiệt và mùi thức ăn. Do đó, kiến trúc sư phải tính toán thận trọng khi bố trí không gian, hệ thống hút mùi, thông gió, bày trí nội thất… Chú ý sử dụng vật liệu thi công chất lượng cao để đảm bảo an toàn vệ sinh và sức khỏe cho nhân viên nhà hàng.
Đặc biệt, trong không gian phục vụ ăn uống, hệ thống ánh sáng cần được bố trí hài hòa, khoa học. Chúng ta nên tránh sử dụng những loại đèn cầu kỳ, chiếm nhiều diện tích như: đèn chùm, đèn cây, đèn tranh. Thay vào đó hãy ưu tiên lắp đặt đèn có khả năng chiếu sáng đồng bộ, lắp đặt ở vị trí trung tâm để chiếu sáng vừa đủ, lại tiết kiệm chi phí tiền điện mỗi tháng.